HOÀNG HẢI LINH - TRƯƠNG NGỌC LINH NHỮNG HỌC SINH ƯU TÚ CỦA TẬP THỂ LỚP 9A7.
HOÀNG HẢI LINH - TRƯƠNG NGỌC LINH
NHỮNG HỌC SINH ƯU TÚ CỦA TẬP THỂ LỚP 9A7.
HOÀNG HẢI LINH - TRƯƠNG NGỌC LINH
NHỮNG HỌC SINH ƯU TÚ CỦA TẬP THỂ LỚP 9A7.
Làm nghề đưa đò sang sông, có lẽ không niềm vui nào lớn hơn khi thấy học trò của mình cập bến an toàn với nụ cười tươi tắn rạng ngời trong ánh mắt và trên bờ môi. Dạy lớp 9, trách nhiệm và áp lực rất nhiều nhưng đổi lại nhiều khi là những niềm hạnh phúc không lời lẽ nào có thể tả xiết. Trong năm học 2019 – 2020 vừa qua, tôi rất vui khi được Ban giám hiệu nhà trường tin tưởng phân công giảng dạy bộ môn Ngữ Văn tại tập thể lớp 9A7. Sau niềm vui đó là sự lo lắng, cần phải làm thế nào để các em học sinh nhanh chóng thích nghi với cách giảng dạy của cô giáo và xa hơn là sẽ đạt được kết quả tốt trong một kì thi vào lớp 10 vốn đầy cam go, thử thách… Suy nghĩ ấy cứ trăn trở trong tôi…
Tuy nhiên, khi tôi chính thức trở thành người đồng hành cùng các em, tôi đã nhận được những tình cảm yêu mến chân thành, trong sáng từ các em đối với bản thân và đặc biệt là với bộ môn Văn. Em Hoàng Hải Linh từng chia sẻ với tôi: “Có lẽ, đối với nhiều người, văn học chỉ là một bộ môn bắt buộc, dài dòng khó học thuộc. Song với em, nó không thể thiếu trong cuộc đời học sinh của mỗi con người. Vượt ra khỏi tác dụng giải trí ban đầu, văn học đem lại những tác động tích cực cho tinh thần chúng ta. Qua những áng văn chương, tâm hồn ta được bồi đắp nhiều tình cảm tốt đẹp: biết yêu, ghét, giận, hờn… Những ý nghĩa, bài học mà mỗi trang văn còn cho ta thêm thấu hiểu tâm can của người viết và nhiều góc nhìn của cuộc sống. Em không biết mình yêu bộ môn này đến nhường nào, chỉ biết là mỗi lần được học văn, được đắm chìm vào những tác phẩm văn chương, cái cảm giác vui thích hứng khởi lại cứ thế dâng trào trong em…”. Còn em Trương Ngọc Linh lại nói: “Môn văn đối với nhiều người có thể thật nhàm chán với những con chữ kín cả những trang giấy, những câu thơ, vần điệu “buồn ngủ” nhưng đối với em, nó thật thú vị và tốt đẹp làm sao! Bởi lẽ, nó như một cánh cổng kì diệu mở ra thế giới tâm hồn, cảm xúc của mỗi con người. Học những văn bản, những mẩu chuyện nhỏ, khi đã hiểu thật cặn kẽ, sâu sắc những nhân vật, tình huống và ý nghĩa câu chuyện, nó có thể khiến ta có cảm xúc thương xót, ca ngợi, phê phán, căm ghét hay thậm chí đau khổ…Nếu trong pho lịch sử loài người xóa hết các văn nhân, thi nhân đồng thời trong tâm linh loài người xóa hết những dấu vết họ còn lưu lại thì cái cảnh tượng nghèo nàn sẽ bực đến thế nào! Em yêu môn Văn bởi môn học ấy đã dạy cho em những cách sống, cách ứng xử đẹp từ đó mà rèn luyện nhân cách con người ngày càng tiến bộ. Em thực sự cảm thấy vui sướng và hạnh phúc khi được học Văn, luyện Văn.”
Đáp lại tình cảm tha thiết đó của các em, tôi tự nhủ mình phải[H1] yêu các em thật nhiều và sống hết mình với các em. Có những lúc tôi cũng chia sẻ thân mật để giữa cô với trò rút ngắn khoảng cách: “Cô không có niềm vinh dự khi được đón các em vào trường nhưng cô rất may mắn và hạnh phúc khi được thấy các em ngày một khôn lớn trưởng thành để rồi được tiễn các em ra trường, sải rộng đôi cánh để bay tới những chân trời mới với biết bao ước vọng tốt đẹp.” Nhìn vào những đôi mắt của các em, tôi biết các em rất hiểu và trân trọng điều tôi chia sẻ…
Ngày tháng thấm thoắt thoi đưa, cuối cùng kì thi vào lớp 10 cũng tới…Bao nhiêu nỗ lực chờ đợi đến ngày được đơm hoa kết trái. Lần lượt từng em nhắn tin rồi gọi điện để thông báo kết quả cho cô giáo. Và trong những tinh nhắn ấy, tôi thực sự xúc động trước kết quả của em Trương Ngọc Linh: “Em được 9 điểm Văn cô ạ!”, em Hoàng Hải Linh lại nhắn: “Cô ơi, Văn con được 9,5”…Bất ngờ, xúc động và tự hào về các em…
Đi qua niềm vui, để có được kết quả đáng ghi nhận như vậy, tôi biết ngoài tình cảm yêu mến bộ môn Văn, các em đã có sự nỗ lực thật nhiều để tìm ra những phương pháp học hiệu quả và phù hợp với bản thân. Em Hoàng Hải Linh chia sẻ một vài kinh nghiệm để học tốt môn Văn:
- Khi ở lớp, cố gắng tập trung lắng nghe cô giảng bài, ghi chép bài đầy đủ, gạch chân bút đỏ dưới những kiến thức quan trọng.
- Sau mỗi một văn bản hay kiến thức Tiếng Việt mới, về nhà em dành phần nhiều thời gian đọc lại chi tiết từng phần, đặc biệt là những kiến thức đã được gạch chân.
- Sau đó, em thường viết hệ thống ý ra nháp để có thể ghi nhớ và khắc sâu kiến thức.
- Bên cạnh đó, em thường xuyên trao đổi với bạn bè cùng lớp và với cô giáo dạy bộ môn Văn về những kiến thức mình còn băn khoăn hoặc chưa hiểu rõ để được cô cũng như các bạn giải đáp. Từ đó, bản thân sẽ không bị hoang mang khi gặp lại kiến thức đó trong bài thi.
- Đặc biệt, hiện nay có rất nhiều bạn học sinh chọn cách học tủ để có thể giảm bớt lượng kiến thức khá nhiều của chương trình ngữ văn 9. Nhưng đối với em, em sẽ nói KHÔNG với cách học này, cách tốt nhất để em có thể tự tin bước vào cứ kì thi nào là mình phải nắm được trọng yếu tất cả các kiến thức không nằm trong chương trình giảm tải. Không chỉ thế, em còn thường xuyên cố gắng luyện thêm các đề thi của năm học trước hay những đề khảo sát của các quận trong thành phố Hà Nội mà cô giáo giao.
- Trong 2 ngày cuối trước khi bước khi bước vào kì thi, em không giở lại ôn từng văn bản để tránh bị loạn kiến thức mà chỉ lật lại phần rút kinh nghiệm các bài khảo sát tại trường để xem lại những lỗi sai mà mình đã mắc phải để rút kinh nghiệm và không lặp lại lỗi sai ấy trong kì thi quan trọng sắp tới.
Em Trương Ngọc Linh lại có thêm một số kinh nghiệm khác:
- Chăm chú nghe cô giáo giảng bài để có thể hiểu và cảm thụ sâu về những văn bản mà mình đã học từ đó tự viết thành đoạn văn. Ngay từ đầu năm hãy chăm chỉ viết các đoạn văn để cuối năm không bị mất thời gian đi viết lại. Viết đoạn văn là một cách cực tốt để luyện kĩ năng diễn đạt, liên kết câu, sáng tạo,... Và sau khi tự mình viết đoạn văn em sẽ nhờ cô giáo bộ môn Văn chữa, chấm để khắc phục các lỗi sai và sửa, nếu quá nhiều lỗi em sẽ viết lại cho đến khi bản thân ưng ý mới thôi.
- Điều cơ bản là hãy học kĩ các kiến thức chung, sau đó học kĩ hệ thống ý của những đoạn văn đã viết.
-Tổng hợp các câu hỏi đọc hiểu, trả lời cẩn thận ra vở và học theo hệ thống.
- Đôi khi vẽ sơ đồ tư duy cho dễ học, đặc biệt đối với những văn bản khó, nhiều kiến thức để nắm bắt bài nhanh mà vẫn hiệu quả[M2] .
- Tập trung cao độ vào suốt quá trình ôn luyện để một tuần trước khi thi không bị mệt mỏi hoặc có tinh thần không tốt.
- Quan trọng nhất là phải có sự kiên nhẫn, bền bỉ, cần mẫn.
Một năm học đặc biệt đã chính thức khép lại và những kết quả rồi cũng sẽ trở thành quá khứ. Điều khó khăn nhất nhưng cũng là quan trọng nhất đối với người giáo viên giảng dạy bộ môn Văn có lẽ là biết khơi lên tình yêu đối với bộ môn ở các em học sinh và cùng với đó là sự quan tâm, dìu dắt để giúp cho các em tìm ra được những phương pháp học tập tốt bộ môn phù hợp với bản thân mình. Tôi xin gửi lời cảm ơn chân thành và sâu sắc nhất tới Ban giám hiệu của nhà trường đã luôn đồng hành, động viên, có sự chỉ đạo kịp thời và hiệu quả về mọi mặt để chúng tôi có thể hoàn thành nhiệm vụ của mình.
Học sinh Hoàng Hải Linh
Học sinh Trương Ngọc Linh